Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Vùng đất thánh linh P7

   Bọn “Tàu xì” chắc đã quần nát khu vực này nên cũng không còn hy vọng gì, nhưng NT và ĐHC cũng cố bỏ ra nguyên ngày hôm sau lần mò hết trong mấy cái hang để tìm xem có gì lạ. Nhờ có chai dầu xả tinh luyện nên không sợ rắn, rít, côn trùng độc chứ mùa này vắt nhiều vô số kể, có hơi người là chúng bắn theo vùn vụt.
Những cái hang này có vô vàn là những viên bi đất, chúng nằm lung tung lẫn với miểng chum, hũ, lọ bể vương vãi khắp nơi, toàn là gốm cổ. Còn có cả mấy mũi “Qua” bằng đồng đã bị ten xanh phủ kín, đó là một thứ vũ khí của người xưa….Chắc những hang động này cả ngàn năm trước đã có người ở, bây giờ hoang tàn, với những lời đồn đại ma quỷ đến mức người dân tộc cũng không dám héo lánh đến. Đi vòng vo trong mấy cái hang đến xế chiều thì bỗng nhiên không thấy NT đâu nữa….tìm tới tìm lui một hồi thì mới thấy anh ta nằm trong một góc hang nhưng đã bất tỉnh, người mềm như bún, lay mãi không dậy…..chắc anh ta đã bị trúng phải hơi độc trong hang hay là bị ma rừng nhập cũng nên. Chắc ĐHC không bị sao cả là nhờ hơn mười ngày tịnh tâm và ăn ngải, uống nước ngải của thầy cúng Điêu-krắc. Đành phải cõng anh ta lên lưng rồi lấy dây mây cột chặt lại, lần theo vách hang ra đến bên ngoài……Trời cũng đã gần tắt nắng, phải cố đưa NT về cho thầy cúng Điêu-krắc trục con ma rừng chứ để qua đêm biết đâu anh ta sẽ “thăng luôn”.
   Lần mò đi mãi, đi mãi, suốt con đường rừng thăm thẳm gần như không một bóng người, đám thợ rừng và dân tộc ít ai bén mảng đến đây. Cuối cùng cũng đến được Bầu sấu thì trời đã tối hù, nhìn xung quanh một màu đen kịt, khí trời lạnh buốt đến tận xương tủy, rờ đến NT thì thấy anh ta lạnh ngắt như xác chết, nhưng cũng may là trán vẫn còn hơi nóng, tim vẫn còn đập thoi thóp….Xung quanh đầy tiếng côn trùng, ếch nhái ra rả, tiếng cá táp nước oàm oạp, tiếng vượn hú vang vọng, tiếng chim ăn đêm khùng khục hòa vào như bản nhạc đưa tiễn NT về nơi chín suối…..
   Tối mịt như thế này thì không thể đưa NT vượt qua Bầu sấu được nữa rồi, thôi đành phải tùy theo số trời….. ĐHC tìm một chỗ cao ráo nhất mới dám đặt anh ta nằm xuống vì nơi đây cá sấu rất nhiều, lơ mơ là chúng táp bất thình lình, trở tay không kịp. Sau đó gom một số lau sậy khô, củi khô thành một đồng nhỏ để đốt lửa, lúc này đốt lửa là rất nguy hiểm nhưng không có e rằng còn nguy hiểm hơn nữa vì hơi lạnh cũng có thể làm NT “đi luôn” không chừng. Đánh lửa bằng một “cây chẹt” và một thanh “củi” lúc nào cũng phải mang theo trong người. “Cây chẹt” là một thanh gỗ nhỏ được chẻ ra làm đôi ở phần đầu, nhét vào khỏang ba viên đá lửa rồi bế lại thật chặt, còn “củi” là một cuộn giấy dầu dài độ một tấc rưỡi, to bằng điếu xì-gà nhưng có thể cháy âm ỉ được tám tiếng liền. Lửa đốt lên chưa được mươi phút, chưa kịp sưởi ấm hai bàn tay thì nghe có tiếng sạt sạt, mấy con cá sấu thấy động thì bò lại, phải lấy khúc cây dài đập mạnh chúng mới chịu bỏ đi. Cứ phải loay hoay canh cá sấu suốt đêm, không ngủ được. Tình trạng NT thế này, nếu mang ra trạm xá chích thuốc chắc anh ta tỉnh lại, nhưng sợ sẽ khùng khùng như Y-Ngung, lúc đó anh ta quậy phá lung tung, còn khó cứu nữa. Tạm thời để anh ta nằm thiêm thiếp như thế này, mang đến cho thầy cúng Điêu-krắk ông ta dễ cứu hơn. Sáng hôm sau, trong lúc mặt trời vừa ló rạng, may thay có mấy người dân tộc đi bắt cá, liền kêu họ lại nhờ chở đến chỗ thầy cúng Điêu-krắk, nhìn hấy NT trong tình trạng như vậy, họ đỡ anh ta lên thuyền, chở đi liền.
   Thuyền của người dân tộc là nguyên một thân cây lớn, họ dùng lửa khóet lõm chính giữa, sau đó dùng Xà-gạt vát dẹp hai bên nên lướt đi rất nhanh. Qua khỏi Bầu sấu, hai người Xtiêng còn phụ khiêng NT đến tận hang của thầy cúng Điêu-krắk, sau đó họ mới quay đi. Bây giờ đã gần đến giữa trưa rồi. Điêu-krắk và ĐHC mang NT ra tuốt tận chỗ có cây ngải thần, đặt anh ta nằm dưới gốc cây. Sau đó Điêu-krắk lấy nước cây ngải cạy miệng cho NT uống, lấy một quả trứng đặt lên trên ngực, rắc gạo xung quanh, đốt bảy ngọn nến, ông ta lấy ra một cái trống da trâu khá to, cái trống này không đóng như bình thường mà là dùng những sợi mây ràng chặt, căng xung quanh, bắt đầu vừa đọc kinh, vừa đánh trống để xua đuổi con ma rừng. Bài kinh của ông ta thật dài, ĐHC phải thay nến cả thảy ba lần thì mới xong…..lúc đó trời cũng vừa chập tối, NT bắt đầu cựa mình và tỉnh dậy.
   Chuyến đi lần này làm NT sụt cả năm bảy ký, gầy rộc hẳn, anh ta than thở “sau lần này chắc giải nghệ luôn”, thầy cúng Điêu-krắk thì nói anh ta bị như vậy là còn quá nhẹ, có nhiều người phải cúng cả năm bảy ngày mới tỉnh lại. Trong mấy ngày này, ĐHC bỗng nhớ lại cái thác nước đã gặp trên đường đi ở vùng rừng còn thuộc Lâm đồng, cái thác thật cao, thật hùng vĩ, phía dưới cũng có nhiều hang động mà trong lúc đi chưa thám hiểm hết….biết đâu đó chính là cái thác trong giấc mơ ?....
   Hôm sau, trở lại chỗ cái đồi trọc thì thấy K-krok vẫn còn ở đó, xem ra khả năng nhịn ăn uống của anh ta thật phi thường. Quanh quẩn tìm kiếm thêm vài ngày, bỗng một hôm trời mưa như trút, mưa suốt mấy ngày liền, dường như vùng này chưa bao giờ có một trận mưa lớn đến như vậy. Mưa mãi, mưa mãi….nước chảy thành những dòng suối, bụi mưa bay mù mịt như những làn khói mờ không còn thấy gì. Phía trên thượng nguồn thì tạo thành một cơn lũ khổng lồ tràn xuống cuốn đi tất cả. Nửa đêm bỗng nghe một tiếng nổ khủng khiếp, sét đánh vào ngay quả đồi, sáng ra thì thấy một phần quả đồi đã bị sạt xuống, phiến đá khổng lồ trấn trên hố thờ vô tình bị nghiêng qua một bên, xem ra sức người đã không làm được, nhưng trời chỉ làm trong tíc tắc. Đúng là “ý trời”, phiến đá nghiêng qua như vậy thì có thể chui vào bên trong đào sâu xuống được rồi. Nhờ K-krok làm lễ cúng tạ Thần rừng xong, tranh thủ trong lúc trời còn mưa, nước còn ngập, thợ rừng chưa qua lại nhiều, ĐHC và NT ra sức đào, còn nhờ K-krok canh ở phía trên. Đào xuống khoảng hơn thước thì gặp toàn đá hộc, đành phải một người ở trên, một người ở dưới đưa đá lên từ từ. Xuống sâu hơn hai mét thì phải làm một cái giỏ bằng mây rồi dòng xuống mới kéo đá lên được. Đào liên tục hơn mấy ngày không nghỉ, phiến đá khổng lồ hàng chục tấn ngay trên đầu, nó mà ụp xuống thì chết là cái chắc. Qua khỏi lớp đá hộc thì đã sâu khoảng hơn bốn mét thì đến lớp đá thạch anh trắng, sau đó là lớp cát mịn trong lớp cát này có một cái hũ sành nhỏ, chắc là đựng tro cốt của một Thầy cúng hay Chức sắc…thời đó, hũ tro này sẽ cần phải chôn trở lại chứ lấy nó là thậm phần nguy hiểm. Người Bàlamôn quan niệm cuộc sống ở dương gian chỉ là cuộc sống tạm, cuộc sống sau khi chết đi mới là vĩnh cửu, vì thế hũ tro này chính là linh vật quý nhất trong một cái hố thờ. Vàng bạc, đá quí đối với họ không là gì cả, rất hiếm khi họ chôn theo. Chính vì vậy tuy cái hố thờ được chôn công phu như vậy nhưng ít khi có đồ quý như mộ của người Sa hùynh hay mộ của vua chúa, quan lại thời phong kiến…..Tìm mãi trong lớp cát mịn mới được hai miếng vàng nhỏ có khắc chữ phạn cổ và các hình vẽ thú vật……cuối cùng hiện vật mong chờ mãi cũng xuất hiện, một pho tượng thần Silva có bốn tay bằng đất nung còn nguyên vẹn. Pho tượng chỉ cao khoảng bốn tấc, trải qua hàng ngàn năm vẫn không một tỳ vết….
   K-krok cũng đã đến lúc phải quay về, NT sẽ mang pho tượng và hai miếng vàng nhỏ theo anh ta về chỗ thầy cúng Điêu-krắk để ông ta làm lễ cúng thần sau đó sẽ tính sau…..còn ĐHC quay ngược trở lên cái thác giữa rừng già tìm lại một lần cuối cùng nữa cho chắc chắn. Công việc được quyết định nhanh chóng vì đám “Tàu xì” hay bọn Lý Hòa mà phát hiện ra phiến đá bị sạt nhất định sẽ kéo đến ngay.
   K-krok và NT vừa kịp chạy đến Bầu sấu thì đã thấy “Tàu xì” và pháp sư “Kây Quay” đứng chờ từ hồi nào, tin tức của họ đúng là nhanh thật….

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét