Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Vùng đất thánh linh P6

   Ở vùng rừng núi này có cả trăm cái thác nước, nhiều cái thác ở sâu trong rừng chưa hề có người biết tới…..Đi cả đời cũng không hết những cái thác ở nơi này. Nếu còn anh em Y-Ngây thì cũng đỡ được phần nào, còn bây giờ….? Tình cờ gặp K-krok đi ngang qua, hỏi đi đâu, anh ta nói “vào mùa mưa ở vùng này có một thứ nấm nhỏ li ti rất độc, có màu đỏ ở trên thân cây tung, lấy thứ nấm này về để thầy cúng Điêu-krắk làm thuốc”. Ngoài hái nấm độc, K-krok còn bắt rắn để lấy nọc, được chứng kiến anh ta bắt rắn thì may ra mới có thể tin được trên đời này có những pháp thuật thật là kỳ diệu.
Hồi còn ở bãi đào vàng, ĐHC đã từng chứng kiến màn bắt rắn điêu luyện của Tăng Xe – những ngọn đồi xung quanh bãi đào có rất nhiều rắn hổ mây, khi bị động, chúng uốn mình bỏ chạy cực nhanh. Trên tay Tăng Xe chỉ có một khúc đồng nhỏ chừng một tấc, chẻ ra làm ba, hắn phóng thanh đồng bách phát bách trúng, cắm dính ngang con rắn xuống đất. Con rắn cong người uốn lượn, ngóc đầu lên để mổ, lúc đó y mới múa tay chụp gọn đầu con rắn – cái khoản chụp đầu rắn này hầu như rất ít người dám làm. Hơn nữa Tăng Xe cũng chỉ dám làm với rắn hổ mây, hổ hành hay rắn lục xanh…..là những loại cắn không chết chứ gặp Hổ mang hắn cũng tránh xa. K-krok chỉ bắt rắn Hổ mang chúa, phát hiện có dấu vết hang rắn, anh ta lấy trong bọc ra một cái cọc cao khoảng sáu tấc cắm xuống đất, sau đó quỳ xuống đọc kinh lâm râm, khoảng chừng mươi phút thì con rắn dài cả vài mét ló đầu ra khỏi hang, bò đến cái cọc và quấn xung quanh. Lúc đó nhanh như chớp K-krok chụp lấy con rắn, bóp miệng nó lấy nọc trong tíc tắc vào một cái hộp nhỏ, sau đó anh ta vỗ vỗ vào đầu con rắn, con rắn lại chui vào hang trở lại. Tất cả những thứ này anh ta đều mang về cho thầy cúng Điêu-krắk. Hỏi anh ta về cái cọc đó, K-krok nói của thầy Điêu-krắk, chỉ có duy nhất một cái.
   Hỏi về cái thác, anh ta suy nghĩ một hồi “Ở khu vực dưới này cao nhất chỉ có cái thác “Yàng” trên thượng nguồn sông Đồng Nai nhưng cũng chỉ cỡ hai ba chục sải chứ không cao tới cả trăm sải tay được….” – “Nhưng phía sau thác Yàng còn có một cái thác nữa toàn là vách đá dựng đứng, cao cỡ bốn năm chục sải tay, bao phủ những cây muồng muồng rất giống như ĐHC mô tả. Nhưng thác này lâu nay không ai dám bén mảng đến vì khá nhiều dân đi rừng cả người Kinh, Xtiêng, K-ho, Mạ….bỏ mạng rất nhiều. K-krok cũng đã từng đến nơi này và thấy ở đây âm khí ngập tràn, hơi độc từ trong những cái hang đá trong lòng thác có thể làm chết người như bỡn. Thầy cúng Điêu-krắk nói rằng đó là nơi trú ẩn của những con ma rừng trong những lúc trời sấm sét…Có thể con ma chúa ẩn náu ở đây không chừng.”- Cái thác này có vẻ giống với nơi mà ĐHC đã gặp những con ma rừng trong giấc mơ..…chắc là phải đến tận nơi này xem thử rồi.
   Khu vực này có rất nhiều cây tung nên K-krok ở lại lán với ĐHC và NT. Suốt mấy ngày ĐHC nhận thấy K-krok không hề ăn uống gì thì lấy làm lạ, hỏi thì anh ta nói là trong những ngày đi lấy cây nấm độc và bắt rắn hổ, thầy cúng Điêu-krắk dặn không được ăn uống gì cả, khi nào cảm thấy không chịu nổi nữa thì mới quay về. Thấy công việc không có gì tiến triển, ĐHC và NT quyết định sẽ đi tìm cái thác mà K-krok đã chỉ, NT đã quyết “Chân chiến chinh từng vượt qua đường đạn mìn….đời trai phen này một đi không trở lại, thà chết chứ chẳng chịu tay không ra về”.
   Lần mò theo chỉ dẫn của K-krok, gặp vài người thợ rừng nghe nói tới thì lắc đầu, xanh mặt, sau khi qua khỏi thác “Yàng”, đi theo ven sông hơn nửa ngày đường nữa, rẽ vào một đoạn quanh theo triền của một cái núi thì bất ngờ thấy một thác sừng sững trước mặt. Khác hẳn cái thác “Yàng” tuy cao nhưng sáng rực và âm thanh rộn rã, mấy em gái người Xtiêng ra đó tắm giặt ồn ào - cái thác này nhìn thật âm u, huyền bí……bị bao phủ bởi đủ các loại dây leo, dây muồng muồng quấn lung tung dày đặc, các loại phong lan cũng mọc dầy, xung quanh không một bóng người. Tiếng nước đổ xuống nghe ì ì như tiếng ma gào, quỷ hú….âm khí lan tràn khắp nơi, chưa tối mà hơi lạnh đã thấu đến tận từng đốt xương rồi. Phía dưới suối có một bãi cát vàng mịn màng giống như trong giấc mơ, chỉ khác là không thấy mấy nàng tiên nữ đâu, thay vào đó là vô số những tảng đá ong hình thù kỳ dị, nhìn cứ như là bầy tiểu quỷ, đứa thì đứng, đứa thì ngồi lổm nhổm. Ở đây có vô số các hang đá, nhìn mà muốn chóng mặt, tranh thủ lúc trời còn khá sáng, ĐHC vào thử một hang thì thấy toàn đá thạch anh trắng, lại có cả đá gan gà đủ màu sặc sỡ, vào sâu bên trong thì lại luồn qua một cái hang khác, có vô số cục đá đen bóng đẹp tuyệt….Đi lòng vòng một hồi thì trở lại cái hang cũ, thấy trời đã sập tối nên ĐHC và NT trở ra ngoài, ra đến cửa hang thì thấy một cặp mắt sáng quắc đang nhìn chằm chặp, “Kây Quay” đã ở đó từ lúc nào….
   Pháp sư “Kây Quay” không biết là thiện hay ác nhưng phải công nhận ông ta múa kiếm đẹp tuyệt luân. Ông ta mặc một cái áo thụng vàng chóe, phía trước thêu hình con rồng màu xanh đang múa vuốt với hàng chữ “Thanh long đệ nhất bang”, phía sau thêu vòng tròn lưỡng nghi, bên ngoài bao phủ một vòng cung lửa. Đầu để tóc xõa, tay cầm một thanh kiếm sáng ngời, sắc xanh biếc, mỏng như lá lúa, “Kây Quay” ngồi trên một tảng đá lớn, trước mặt là một cái bàn nhỏ phủ khăn đỏ, trên có một xấp giấy dày chắc là các đạo bùa, xung quanh mấy tảng đá nhỏ đặt trên đó là các hồ lô có hình độc trùng : rắn, rít, nhện đen, bò cạp, cóc tía, tắc kè hoa, sâu ống…...tổng cộng là bảy cái. Ông ta ngồi xếp bằng, một tay bắt ấn, một tay múa tít thanh kiếm tạo ra một luồng khí lạnh dào dạt bao trùm cả một vùng. Ông ta không cầm kiếm như bình thường mà thanh kiếm chỉ cặp hờ vào giữa ngón cái và hai ngón trỏ và giữa, chính vì thế mà thanh kiếm mới xoay tít được như chong chóng. Thứ kiếm pháp này đúng là chưa từng thấy nhưng có phần hơi biểu diễn. Bỗng ông ta tung người lên, quát to một tiếng, đồng thời dùng mũi kiếm ghịt lấy một đạo bùa dán lên trên một cái hồ lô. Ông ta nhảy vù vù từ hòn đá này qua hòn đá khác, bộ pháp thật là linh diệu, lúc như con rắn đang uốn mình sát đất, lúc như con diều sà xuống vồ mồi, lúc như con hạc xòe cánh bay lên……thanh kiếm trong tay vần vũ như mưa sa bão táp, tưởng như không phải là một thanh kiếm mà là hàng nghìn thanh đang cùng nhau nhảy múa, trong thoáng chốc bảy cái hồ lô đã được phủ kín các đạo bùa ….Thì ra ông ta đang bắt ma rừng nhốt vào trong những cái hồ lô này, nếu vậy chắc phải kêu….vài ba cái xe tải chở thêm hồ lô nữa may ra mới bắt hết được ma rừng ở nơi này. Không biết ông ta bắt ma rừng về để siêu độ hay để làm âm binh thực hiện những mục đích ám hại người đời…..
   Bỗng “Kây Quay” lại phóng vọt lên, tay nắm lấy một sợi dây leo, thoắt một cái ông ta đã leo lên tít trên cao, khi hạ xuống thì trong tay đã có một con rắn….Con rắn màu xanh biếc, phía trên có một cái sừng nhỏ, cái đuôi có khoang đen khoang đỏ….chính là con rắn lục cườm đầu sừng, chỉ có duy nhất ở vùng này. Dân đi rừng mà thấy con rắn này thì tất bỏ của chạy lấy người, vì nó cắn một cái thì toàn thân tê liệt, mắt đứng tròng, có thuốc giải trong người thì cũng không giơ tay mà lấy được, sau nửa giờ người sẽ mủn ra như con cá mục, chết là cái chắc. Con rắn lục quẫy dữ dội trong tay “Kây Quay”, ông ta lấy trong người ra một cái túi da, nhét con rắn vào trong đó. Xem ra tài nghệ bắt rắn của “Kây Quay” cũng thuộc vào hàng “vô tiền khoáng hậu”. Trong lúc đó “a Lưu” nhanh chóng thu hết các hồ lô cho vào một cái thùng gỗ, mùi dầu thơm của y vẫn sực nức, tóc tai vẫn chải chuốt như ngày nào. “A Chảy” thì đứng im lìm tuốt ở phía xa, cặp mắt cú vọ của y không hề lay động. Y đã mặc lại bộ đồ “sá sẩu” bằng gấm trắng, hàng chữ “sinh tử tại thiên” màu đỏ càng nổi lên bay bướm trong cái thác âm u này. Cái mặt cú vọ vẫn lạnh băng nhưng lại để thêm bộ ria vểnh lên nom mười phần quỉ dị.
   Pháp sư “Kây Quay” mặt không đổi sắc, hơi thở không đổi nhịp, chẳng buồn nhìn ĐHC lẫn NT, xoay người bỏ đi liền, “a Chảy” lầm lỳ đi theo sau, “a Lưu” khệ nệ ôm cái thùng gỗ, còn ráng quay qua nói với ĐHC “tài có nhớ tối đừng ở lại đây, ma quỷ nhiều lắm đó….”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét