Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Vùng đất thánh linh P2

   Câu chuyện mà “Tàu xì” kể thiên hạ đã biết từ lâu. Năm ngoái, có lần Lạc “mả” tìm đến, y nói “nhà bác có biết chuyện người ta kéo nhau lên Tây Nguyên tìm một cái mâm gì đó quý lắm không ?”- ĐHC giả bộ nói không biết, Lạc “mả” nói tiếp “nghe đâu mấy tỉ phú Ma Cao, Hồng Kông ra giá cả triệu đô cho ai tìm được”.
Y tỏ ra rất hăm hở, rủ thêm mấy người nữa kéo nhau đi lên Tây Nguyên, cho đến bây giờ cũng không nghe thấy tin tức gì. Xem ra những chuyện gọi là bí mật ở xứ sở này thì…..cả làng đều biết.
   Cách đây khoảng ba tháng, NT đến tìm ĐHC, anh nói “Có người đặt hàng mình phi vụ này, nếu thành công thì đủ sống cả mấy đời, chú tham gia với anh nhé” – NT là người có cuộc đời rất lận đận, anh trước là hạ sĩ quan chế độ cũ. Sau giải phóng phải đi cải tạo đâu khoảng hơn ba năm. Khi trở về thì vợ đã bán nhà, dắt con đi vượt biên từ lâu. Người thân thì cũng đã đi hết cả, lớp đi vượt biên, phần đi KTMới….NT đâm ra bơ vơ “không mảnh đất cắm dùi”, phải làm đủ nghề để kiếm sống. Khoảng thời gian này cuộc sống còn khó khăn lắm chứ chưa được như bây giờ, qua vài người quen, anh ta gặp ĐHC cùng theo cái nghề “nguy hiểm chết người” này. anh ta làm chung với ĐHC được chừng hơn năm thì tách ra “chiến đấu một mình”. Kinh nghiệm chiến trường chưa nhiều, lại hay tin người, được mấy tháng thì NT bị lượm trên Long Bình, phải bóc lịch hơn một năm rưỡi,….Trở về, NT ra sửa xe đạp ở lề đường ND. Một lần anh đến rủ ĐHC làm vài xị giải sầu, cả hai ngồi ở cái quán cóc nhỏ bên lề đường, nghe tâm sự thì ra cái máu liều trong người NT vẫn còn rất mạnh, anh ta muốn làm một cú ra trò để đổi đời, “nở mày nở mặt với bà con thiên hạ”. Lúc đó trời mưa rất to, trong cái tâm trạng cô đơn mà nhìn mưa Sài Gòn thì đúng là “rầu thúi ruột”. NT quyết tâm bằng mọi giá phải làm cho được vụ này “hoặc có tất cả, hoặc không có gì…”. ĐHC thấy anh hăng hái như vậy thì cũng không nỡ từ chối, hơn nữa ở vùng đất thánh linh này đâu hẳn chỉ có mấy cái “mâm đồng”…….?!.
-----------------------------------
   Đêm trên cao nguyên thật lạnh, ngủ không được, ĐHC , NT, một người thượng là Y-Ngây, cả ba kéo ra trấn Giai Nghĩa uống vài xị cho ấm bụng. Mới hơn 10h mà hàng quán đóng cửa hầu hết, chỉ còn lại một quán chịu bán khuya cho giới xe ben, xe tải… Cả ba chọn một chỗ ngồi hơi khuất phía trong, bên ngòai cũng còn vài bàn của cánh lái xe cùng mắc chung một thứ bệnh là “ngủ không được”. ĐHC ngồi đối diện cái bàn bida, phía góc trong có cái bồn rửa tay, trên có một tấm kiếng, từ chỗ này có thể quan sát phía sau mà không cần phải quay người lại. Y-Ngây khoái món nai nướng nên anh ta ăn rất khí thế, uống cũng không hề khách khí. Là người Hơ-Mông nhưng Y-Ngây nói được tiếng Kinh, anh là một thợ săn cừ khôi, chỉ cần một cái ná, một cái áo mưa, một cái Xà-gạt là Y-Ngây có thể xuyên rừng, vài ngày là đem về một hai con mang hay mển….. Y-Ngây còn có một người em là Y-Ngung nhưng hôm nay anh ta còn ở ngoài rừng.
   Càng về khuya trời càng trở lạnh, gần đến nửa đêm thì nghe tiếng xe dừng, có bốn người lừng lững đi vào trong quán. Nhìn qua cái kiếng, ĐHC nhận ra bọn người này là dân đào vàng chuyên nghiệp, bây giờ chuyển sang nghề săn trộm, tìm trầm hương, kỳ nam và đồ cổ. Đi trước là hai anh em Lý Hòa, Lý Cắt, kẻ đi thứ ba đặc biệt nguy hiểm tên Tăng Xe, đi cuối là đệ tử của y cỡ 17 –18 tuổi tên Út Lỳ. Út Lỳ có tên tuổi, bố mẹ, nhà cửa đàng hoàng, nhưng đua đòi bỏ nhà đi hoang mấy năm nay, vận khí xui xẻo, ra đời gặp ngay đại ca Tăng Xe, nhanh chóng bị tên này nhuộm thành đen thui, thêm bản tính lỳ lợm nên có biệt danh là Út Lỳ. Bọn Lý Hòa vừa từ trên Đắcmin về, có khả năng sẽ đi về Nam Cát Tiên theo đường rừng Lâm Đồng…. Lý Hòa là thợ rừng chuyên nghiệp nên chuyện xuyên rừng đối với y là chuyện nhỏ.
   NT xem ra đã ngà ngà say, anh ta lại nhớ về quá khứ, cặp mắt trở nên lờ đờ…..miệng lầm bầm hát nho nhỏ “ Buồn nào hơn đêm nay, buồn nào hơn đêm nay, khi ngoài kia bão tố đầy trời… Từng cánh lá cuốn gió rơi vào lòng đêm thâu, thương thầm mối tình ngâu….. Ngày về ôi xa quá cánh nhạn còn miệt mài trong nắng hồng mê say. Cuộc đời là hư vô, bôn ba chi xứ người khi mình còn đôi tay…..”
   Chỉ cần nhìn đồ nghề mang theo là có thể biết khả năng đi rừng như thế nào. Ví như anh em Y-Ngây, Y-Ngung thì chỉ cần cái Xà-gạt, cái ná, thêm cái áo mưa nữa là có thể xuyên rừng hàng tháng rồi. Rừng chính là nhà của họ, bàn chân của Y-Ngây đạp trên đá nhọn, gai rừng nghe sạt sạt, lớp chai nó dày cả phân chứ không ít. Anh ta bình thường đóng khố, cổ đeo một cái kiềng to, lỗ tai xỏ hai miếng ngà voi to sụ, hôm nay ra Giai Nghĩa nhậu “nai nướng” mới bận thêm cái quần vải gai….Còn Y-Ngung cũng như Y-Ngây, nhưng nói được tiếng Kinh rất ít, anh ta gọi người Kinh là Ka-Yuan. Con gái Y-Ngung được hai tuổi bỗng nhiên bị chết, cả bản làm đám, thầy cúng Y-Krăk làm lễ đàng hoàng. Sau đó 3 ngày, Y-Ngung nốc hết ba ché rượu cần, bỗng dưng nhớ con……nửa đêm anh ta ra mộ, đào xác con lên, sau đó ôm cái xác lạnh ngắt, đã bốc mùi về nhà, chuyện làm kinh động cả bản….Y-Ngung sau chuyện đó trốn ra ngoài rừng….
   Lý Hòa thì không cần nhiều đến như vậy, chỉ cần một con dao găm là có thể xuyên rừng được rồi. Y nổi tiếng đánh mìn và bộc phá ở các bãi đào vàng, nên trong người luôn có thuốc nổ. Còn Lý Cắt dáng cao gầy, leo trèo cực nhanh, đặc biệt là leo cao chót vót trên tận ngọn cây, y phóng chuyền nhanh như khỉ, rất lợi hại trong chuyện đi tìm trầm hương, kỳ nam, nấm quý…. Tăng Xe đi rừng không bằng hai người kia nhưng có tài bắn súng kíp thiện xạ, có thể dùng hai tay không bắt rắn, áp tai xuống đất nghe được tiếng động xa hàng vài cây số…Đồ nghề đi rừng của dân chuyên nghiệp thường chỉ là một cái mác hoặc rựa, dao găm, một “cây chẹt” nhỏ để lấy lửa khi cần thiết, áo mưa, có thể thêm dây thừng, móc sắt, võng dù….Đồ ăn, nước uống không cần mang theo vì có mang cũng không đủ cho những chuyến đi dài ngày.
   Y-Ngây kể cả năm nay có khá nhiều nhóm người xuống đây tìm cái mâm đồng, cồng chiêng thì anh ta biết nhiều chứ cái mâm đồng có khắc hình như vậy thì trong đời chưa từng thấy qua, cũng chưa nghe già làng nói đến bao giờ. Như vậy cái “mâm đồng” này chắc không phải của những tộc người như Ba-na, Ê-đê, Gia Rai, Hơ-mông….ở đây, mà là thuộc về những dân tộc đã xây nên vương quốc cổ Phù Nam ngày nào, họ có một nền văn hóa đã từng phát triển rực rỡ với những đền đài, thành quách, các công trình điêu khắc vĩ đại mà nay đã bị diệt vong. Cái “mâm đồng” nếu là có thật, thì nó có thể còn ở trong lòng đất, vùi chôn cùng với một đền đài nào đó….hoặc lẫn trong các tộc người còn sống ở vùng Nam Cát Tiên như X-Tiêng, Châu Mạ, K-Ho….Đám săn lùng đồ cổ tìm không ra cái “mâm đồng”, quay sang chôm chỉa Cồng Chiêng, Chum hũ, Cột nhà, Tượng thờ, Quần áo, Vật thờ cúng, Tượng nhà mồ… của người dân tộc để vớt vát lỗ lã. Bọn nào đàng hoàng thì còn trả tiền hoặc trao đổi bằng hiện vật, gặp bọn gian tà thì trộm cắp, lừa đảo….nhiều khi dẫn đến hiềm khích. Có khi xui xẻo trúng phải bùa ngải, thư ếm…. mang được báu vật về đến nhà thì lăn ra chết hoặc điên điên khùng khùng.
   Bọn Lý Hòa ngồi đến hơn hai giờ sáng thì rút đi, nghe nói trưa mai là sẽ khởi hành xuyên rừng xuống Nam Cát Tiên, trong lúc đi sẽ tìm kiếm thêm Trầm hương, Kỳ nam hay sừng Tê. Xem ra có quá nhiều băng nhóm tham gia vào cái vụ tìm “mâm đồng” này….Cái mâm chưa thấy đâu mà đã thấy có mùi kim tiền, mùi máu tanh sặc sụa rồi. Nếu có tìm được mà giữ được nó mang về cũng không phải chuyện dễ. Tìm được nó rồi mà cái mạng không còn thì cũng như không.
   Hôm ấy trăng sáng vằng vặc, từ trên con đường quốc lộ nhìn ra xa có thể thấy dãy Trường sơn mờ mờ. Đi trên cao cảm giác như có một biển mây chìm dưới chân bồng bềnh, bồng bềnh…..Trời đã gần sáng rồi, chim rừng đã bắt đầu thức dậy, hơi sương lạnh ngắt phủ từng lớp mờ mờ ảo ảo, gió cao nguyên đã bắt đầu thổi về từng đợt…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét