Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Linh phù công chúa P2

   Nguyên buổi sáng hôm sau không tìm được gì ngoài một vài mảnh vỡ của mấy cái đĩa và một cái bình có hoa văn của Tàu…. ĐHC cho thu lượm tất cả các mảnh gốm, đá sỏi đặc biệt vào khoảng mấy chiếc bao sau đó rút về . Lúc về, thuyền ghé ngang một cái gò gần ngay cửa biển.
Cái gò này thể hiện dấu tích của người Sa Hùynh rất rõ. Rất nhiều mảnh gốm vỡ nát có những hoa văn sóng nước đặc trưng của người Sa Hùynh, gốm Sa Hùynh rất đỏ và rất cứng nên có thể tồn tại rất lâu với thời gian mà không bị hề hấn gì.
   Trên đường về, đi ngang cửa biển không ngờ gặp hôm sóng lớn, thuyền dập dềnh sát mép nước, ĐHC nhìn ra xung quanh thấy biển nước mênh mông mà lòng ớn lạnh, lại nhìn thấy cái mái chèo của “anh Năm” đưa qua đưa lại càng thêm khiếp vía….Bỗng Ba Đen la lớn “có cái gì trôi kìa”, quả thật xa xa có một khối đen to trôi bập bềnh, thuyền ghé lại. Ba Đen phóng ngay xuống nước, nhưng y lại vọt lên ngay, hốt hỏang nói “con cá gì to quá, bị vướng lưới chết..”
   Tư Râu và Ba Đen cùng nhảy xuống một lần nữa, con cá to thật, dài phải hơn 4 mét, nhìn giống cá nược, chắc nó bị vướng lưới chết nên ngư dân hỏang sợ cắt bỏ lưới thả nó trôi lềnh bềnh trên biển. Con cá quá to không thể đưa lên thuyền, phải cột chặt nó vào mạn thuyền và kéo nó theo. Ngư dân Cần Giờ họ thờ cá Voi nên thấy nó rồi không thể bỏ được mà phải mang về chôn và cúng đàng hoàng.
   Thuyền về đến xóm, cả xóm đổ ra xem con cá lạ. Con cá to quá phải hơn 10 người mới kéo nó lên bờ được. Khi kéo nó lên bờ để hơn nửa tiếng thì tự nhiên mắt nó ứa ra máu…. dân làng quyết định sẽ chôn nó ngay bờ biển. “anh Ba” là người sẽ chủ trì cúng tế. ĐHC thấy “anh Ba” tuy to lớn dềnh dàng như vậy nhưng đi đứng lại rất nhẹ nhàng, không hề tỏ ra nặng nề gì cả. Buổi cúng tế rất trang trọng, có mâm quả, nhang đèn đầy đủ, “anh Ba” khấn vái sau đó đốt một đạo bùa thả tro xuống biển. Cuối buổi còn cắm 4 chiếc cọc căng bạt làm một mái lều để che mộ cá ông trong 3 ngày.
---------------------------------
   Mới hơn 8h mà làng chài đã tối hù như hũ nút, ĐHC và Nghi (tên của trưởng CA xã) đảo bộ đi ra quán. Quán tối om, chỉ có một ngọn đèn cầy leo lét, còn năm bảy ngư dân ngồi nhậu. Nghi bước vào, không khí trong quán đâm ra im ắng lạ. Nghi và ĐHC chọn một cái bàn nhỏ trong góc ngồi. Chủ quán tên Bảy Chìa thấy Nghi đến thì lăng xăng mang mồi và rượu tới.
   Bảy Chìa nói “tôi ở xóm chài này đã lâu mà chưa từng thấy con cá nào to như vậy, chú Hai mới ra mà gặp được nó cũng là một điềm lạ”. Nghi chẳng nói gì, y có tính bình thường thì nói nhiều, nhưng uống rượu vào thì lại lầm lỳ ít nói. Sau hơn 3 xị rượu, quán bây giờ vắng tanh, ngư dân đã về hết. Bảy Chìa cũng đã gật gù vì uống suốt từ chiều đến giờ. Nghi chắc cũng đã say, hai con mắt sắc lẻm của y giờ trở nên đỏ ké. ĐHC cũng đã ngà ngà say, sực nhìn vào tuốt phía trong góc quán không hiểu từ lúc nào lại có một người đàn bà ngồi từ bao giờ. Ánh sáng đèn cầy leo lét hắt vào mặt người đàn bà nom cô ta thật ma quái. Nghi cũng đã nhìn thấy cô ta, y chỉ cái ghế kêu cô ta lại ngồi; khi cô ta đến gần, ĐHC cũng giật mình vì cô ta quả là rất đẹp. Người đàn bà tên Nhi, mắt một mí hình như là lai Tàu, có nước da khá trắng so với người miền biển. Nghi có lối hút thuốc rất lạ, y không hút ba số 5 mà hút ba số 7, một lọai thuốc rất nặng và hôi, đầu tiên y nhét thuốc vào mép phải, sau đó dùng lưỡi đẩy qua mép trái, khi điếu thuốc hơi gật trễ xuống thì Nhi bật quẹt xòe một cái rồi châm cho y, xem ra cô nàng tỏ ra khá thân với Nghi. Thêm 3 xị rượu nữa thì ĐHC đâm ra say thật, Nhi bây giờ đã kéo ghế ngồi gần ĐHC. Hơi rượu ngà ngà cộng với mùi tóc thơm phảng phất của người đàn bà làm ĐHC thêm ngây ngất. Câu chuyện càng ngày càng trở nên thân mật, Nhi kể cô ta đúng là lai Tàu thiệt, nhưng cô ta không nói được tiếng Tàu vì ba của cô ta đã bỏ mẹ con cô ta ra đi từ lúc cô ta còn rất nhỏ, chồng cô ta chết đã lâu, một mình nuôi con quả là khó khăn quá, may mà có “anh Ba” giúp đỡ. “em trở thành em nuôi anh Ba từ đó” .
   Nghi đã về từ lúc nào, ĐHC ráng ngồi chút nữa với Bảy Chìa và Nhi. Cô ta bắt đầu nói quá nhiều, đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Nhiều khi cô ta còn tò mò hỏi ĐHC xuống đây làm gì?! Trước khi về ĐHC đưa cho cô ta “hai xị”, cô ta đỏ bừng mặt, chồm sát lên hôn và thì thào “ anh ở đây phải cẩn thận đó nha”.
   Hôm sau, ĐHC và đoàn tiếp tục lên đường, địa điểm bây giờ tạm gọi là giồng B, cách xã khá xa, hơn 20 km nên phải lên đường sớm. Lần này Ba Đen dắt theo một đứa trẻ giới thiệu là con anh ta, cô bé lên chín mà nom choắt cheo như mới lên bảy. Khi đi ngang qua một cái giồng đất cây cối nhiều Ba Đen cho dừng ghe thả cô bé xuống, “ từ đây đến trưa là con bé vớt được cả rổ chem chép, mang về bán được hơn 5 ngàn bạc” – ĐHC hỏi “thế con bé về bằng cách nào ?” – “ “Nó chỉ cần ra bìa giồng đứng, có thuyền nào đi ngang qua là rước nó về, ở đây mọi người biết nhau cả” – “Thế có sợ con bé chết đưối không” – “Nó lội còn hơn cá nữa làm sao mà chết đuối được”. Cô bé lội nước tài thật, cái bóng dáng nhỏ bé trong chốc lát đã biến mất dưới những bụi đước um tùm….
   Giồng B khá rộng lớn, đã có người đến ở nhưng ĐHC cho đào ở phần đất còn bỏ hoang, vì vùng đất này quá cứng nên họ chưa canh tác tới. Đây cũng là điều may, vì chính chỗ đất này mới cơ may có báu vật. Công việc đào vẫn sắp xếp như lần trước nhưng đã hơn 2 ngày rồi mà vẫn chưa có gì……ngày đào, đêm nằm đất ngủ, bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Chiều hôm ấy hố đào đã to và sâu gần hơn 2 mét rồi thì bất ngờ Tư Râu thấy cái gì đó, y hùng hục đào liên tục….
   Tất cả tập trung lại chỗ Tư Râu đào sâu xuống thì thấy toàn là xương người. Tư Râu sợ không chịu đào nữa, Ba Đen nhảy xuống đào thay, thêm một lúc nữa thì mang lên được hai bộ xương. ĐHC xem kĩ thì thấy là hai bộ xương mới chôn chừng trăm năm đổ lại, xương còn mới lắm. Một bộ xương đàn ông khá cao và một bộ xương con nít, cái sọ vẫn còn nguyên. Có lẽ một chiếc thuyền nào đó của người xưa khi đi ngang qua đây thì gặp dịch bệnh hay gì đó, có người chết nên mang lên đây chôn….
   Đào mãi mà chẳng có gì lại gặp xương người, đành tạm nghỉ, mọi người quây quần quanh nồi cháo cá “anh Năm” nấu ăn cho đỡ mệt. Đêm xuống dần, nhìn ra mặt sông mênh mông phẳng lặng mà cảm thấy nao nao buồn. Trời tối thật nhanh, tất cả chui vào lều ngủ, chỉ đốt một cây đèn cầy thật nhỏ để tránh sự chú ý, đến khuya có khi tắt đi luôn. Gió từ cửa biển thổi về ào ạt, đêm Cần Giờ thật lạnh…tất cả dường như chìm dần vào giấc ngủ. Trong cơn mê chập chờn, ĐHC thấy hai bóng người, một bóng người đứng xa xa to lớn, như là người đàn ông, nom ông ta có vẻ rất buồn. Rồi bỗng có một cô bé chạy tới , tay cô bé nắm chặt lấy vạt áo của ĐHC mà giật rất mạnh, cô bé rất giận dữ, dường như cô cho là các người đến phá không cho cô nghỉ ngơi thì phải. Cô bé giật mãi, giật mãi, đến khi ĐHC giật mình tỉnh dậy thì mặt trời đã gần ló rạng.
   Sáng hôm sau, ĐHC bọc hai bộ xương vào vải bạt và cho chôn trở lại. Lấp đất lại như cũ, nấu một nồi cơm trắng, xới 2 chén cơm và tô cá kho, thắp nhang cúng, cầu cho họ được an nghỉ. Một khi họ đã báo mộng như vậy thì không nên cố đào nữa, nếu không có thể sẽ gặp những chuyện chẳng lành. ĐHC trở về mà lòng cảm thấy nặng trĩu, chuyến đi này quả là lành ít, dữ nhiều. Về đến xóm chài, chẳng có gì ngoài hơn chục bao đất đá làm Nghi có vẻ bực bội, “anh Ba” cũng tỏ ra sốt ruột.
   Chiều đến, ĐHC thơ thẩn đi ra bờ sông thì thấy một chiếc ghe chài cập vào bờ. Đó là một chiếc ghe buôn hàng, trên ghe có hai người, chắc là hai vợ chồng. Chờ cho họ buôn bán xong, ĐHC liền xuống ghe hỏi chuyện, chủ ghe tên là Phương, bàn tay phải bị cụt ba ngón nên mọi người gọi là “Phương cụt”. Anh ta trạc khoảng trên ba mươi, có nước da nâu nâu, cái mặt vuông vuông, ngăn ngắn còn đôi mắt lại he hé. Ghe chài đi từ Cần Giờ lên Sài Gòn, trước khi đi ghe thường ghé qua xóm để trao đổi hàng. “Nghe nói anh Hai có chở ba cái đồ đất đá nhiều, nếu về Sài Gòn cứ quá giang ghe của em, đi vừa khoẻ vừa có dịp ngắm sông nước, buổi sáng đi thì chiều là tới rồi”. “Phương cụt” còn ở lại vài ngày nữa rồi mới đi tiếp nên ĐHC mời hai vợ chồng anh ta lên quán lai rai, vợ Phương không chịu đi lấy lý do phải ở trông hàng.
   “Phương cụt” uống rất mạnh, anh ta rượu vào lời ra, nói chuyện huyên thuyên trời đất. ĐHC hỏi anh ta có biết “anh Ba” không, “Phương cụt” hứng chí kể “Ông ta là thầy bùa Miên đó, em nghe nói hồi xưa ổng theo đòan lái trâu lưu lạc bên Miên từ nhỏ, có lần bị trâu húc chết, chôn được ba ngày thì sống lại. Có một ông thầy bùa người Miên biết được việc này cho là ổng có duyên với cõi âm nên mua ông về, sau nhận ổng làm đệ tử, em có xin được của ổng một tấm phù “buôn bán”, còn đang đeo trên người”. Lúc bây giờ Nhi đến, cô ta còn bận phụ Bảy Chìa bán quán. “Phương cụt” thì thầm nói “ Anh Hai phải coi chừng con nhỏ này, nó có bùa yêu đó, nhiều người đã bị nó móc hết tiền bạc, có khi còn mất mạng”. “Phương cụt” ngồi một lát thì về, mọi người cũng về hết, Nhi lại ngồi, cô ta nói “nghe nói anh gặp ma” – “ai kể cho em nghe ?” – “thì bạn anh chứ ai, lúc nãy em có gặp ảnh ngoài Cần Thạnh, ảnh còn cho em quá giang về đây nữa”. ĐHC mời Nhi uống vài ly, cô ta uống vào là bắt đầu nói “hay là anh nhờ anh Ba làm phép cho, ảnh hay lắm đó”.... Cuộc rượu đến tối mịt mới tàn, ĐHC đưa Nhi về nhà, nhà cô ta nằm ở ngay đầu xóm, trong nhà chỉ có một bà cụ già tóc bạc phơ, chắc là mẹ Nhi, có lẽ Nhi chưa bỏ xứ ra đi chắc cũng là vì bà cụ này. Bà cụ còn thức để chờ Nhi về. ĐHC đưa cho Nhi thêm “hai xị” và nói “hai ba bữa nữa anh có việc nhờ đến em, giúp anh được không ?” Nhi nói “anh tốt với em như vậy thì có việc gì em sẵn sàng thôi”….

   Hôm sau, ĐHC quyết định sẽ đi xa hơn nữa. Tư Râu sau chuyện đào trúng xương người đâm ra sợ, xin nghỉ. Hai người dân chài cũng xin nghỉ theo, chỉ còn một người tên Sáng. Như vậy chỉ còn lại năm người là ĐHC , Người Bạn,“anh Năm” , Sáng và Ba Đen. Lần này khởi hành thật sớm, chỉ còn một mình “anh Năm” chèo nên tốc độ đi có phần chậm lại. Hơn 9 giờ, lúc ghe đi vào một con rạch nhỏ, thì nước bắt đầu cạn, không còn đi ghe được nữa. Tất cả đành phải lội sình lên đến ngang thắt lưng mới tiến sâu vào được. Đường đi thật gian nan, lội sình hàng mấy cây số mà chưa tới….
   Nơi này nghe đồn đại cứ chiều đến là không còn ai dám bén mảng đến đây nữa. Những lời đồn về ma quỷ là do cánh đi trộm đước về kể, có người còn bị rượt chạy te tua hay thậm chí có người về là bị cấm khẩu, đố còn nói gì được….Khi ĐHC đến nơi thì trời bắt đầu đứng nắng, giữa buổi trưa mà âm khí ở nơi này bốc lên ngùn ngụt, u ám cả một vùng. Xem ra cần phải đào gấp, đến chiều là phải rút đi ngay vì buổi tối ở lại đây là thậm phần nguy hiểm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét