Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Vẻ đẹp nước Việt P19

   Khi ĐHC đến khâu thêu, giả vờ đi vào lấy đồ, Sóc Nhám đi ra nói khẽ “lát nữa đứng ngay cửa lớn, chặn không cho đám chiếu cố bên ngoài ào vào và đám bên trong chạy ra”. Sơn Cẩu cũng vừa đến, hẳn là y cũng có nhiệm vụ đánh chặn, cái đầu của Mười Hổ sắp xếp thật chu đáo.

   Diễn biến xảy ra thật nhanh, Sóc Nhám tiến thẳng đến Điền Lâu Đài, tên đệ tử còn sót lại của Lâm Dơi đâu có ngờ tới, đang rung đùi nghe nhạc…
-“rầm” – Sóc Nhám cầm luôn con ngựa thêu quật Điền Lâu Đài một phát nghe chấn động cả khâu, thằng này gục ngay tại chỗ. Đúng như hiệu lệnh, cả đám tù lao vào nhau quần thảo bằng đủ mọi vũ khí có được, nhưng chủ yếu vẫn là ngựa thêu và kéo cắt chỉ.
   Quá bất ngờ nên tay QG trực khâu vùng bỏ chạy, đám chiếu cố cũng bỏ chạy tán loạn, mấy thằng cả gan chạy vào tính lập công ngay lập tức bị đánh gục. ĐHC và Sơn Cẩu liên thủ, cố gắng chặn không cho đám tù tràn ra ngoài. Bên trong Sóc Nhám cũng bị dính một ván ngựa, bật văng qua bàn thêu, nằm vắt vẻo. Bọn Chiến Lỳ, Sơn Chém bị đánh tơi tả… Hoàng Nhóc chui tuốt xuống gầm máy may, Minh Nẫu bị Lân Sói, Thành “mắt ma” và Dương “mổ” dồn vào góc tường không cụ cựa gì được, xin đầu hàng, Tý Ngọng phóng ra tính thoát thân bị Sơn Cẩu quất một ván ngựa nằm chỏng gọng. Cuộc chiến diễn ra trong nhấp nháy, cả khâu thêu bỗng chốc tan hoang cả, thắng lợi hoàn toàn thuộc về phe Lân Sói, đám tù bị đánh ngã nằm la liệt… Đến lúc này thì hàng trăm CS cơ động đã tràn vào dày đặc, bao vây vòng trong vòng ngoài. Hai quả lựu đạn cay được quăng vào quật ngã nốt những người tù còn đứng vững.
   Cuộc lật đổ trong khâu thêu, đầu não của đám tù kết thúc thật ngoạn mục nhưng thê thảm, hầu như tất cả đều bị kỷ luật biệt giam 15 ngày. Vài thằng phải đi đập đá, hai giò bị cùm, còng tay, ngồi ngay giữa sân, có một cái búa nhỏ bằng ngón tay út và một cục đá thật to, phải đập cho cục đá xanh tròn vo lại. Mưa cũng như nắng, phải suốt ngày ngồi đập như vậy hàng tháng trời. Tuy nhiên không ai bị nặng hơn vì đánh bằng ngựa thêu tuy bầm dập nhưng lại không chết người,.. Còn tay QG trực khâu thêu do bỏ chạy nên bị lột lon, cách chức, đưa đi gác chuồng cu ngoài đồng.
   Mỗi buổi sáng khoảng vài chục người được ra ngoài làm cho Trưởng trại, cái này gọi là “mượn quân”, một sự tận dụng sức tù miễn phí. Đúng ra theo điều luật thì mượn quân như vậy là phải trả tiền cho trại, nhưng điều này hiếm khi có, tất cả đều phải “nương nhau mà sống” chứ ? Vì thế đám ra ngoài phải mặc đồ như thường dân, không mặc bộ đồ “Julveltut” như lúc ở trong để không ai biết đó là tù. Nhờ thế cán bộ được người làm không công, tù thì ra ngoài ăn uống khá hơn chút ít nhưng cái chính là nếu ăn cánh với tay vũ trang dẫn giải là có thể mua hàng mang vào bán lại kiếm lời. Công việc thì đủ thứ như làm vườn, xây nhà, nuôi heo, tát hầm cá… Có lần hầm nuôi cá sấu bị sổng mấy con, chúng lọt ra ngoài xuống mấy ao cá, lần đó tù phải dàn hàng ngang lội xuống ao để bắt, may không có ai bị sấu cắn, có lẽ cá sấu nó cũng sợ tù y như người bên ngoài vậy?
   Theo luật thì cấm phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV nên họ được sống chung trong phòng, khi họ bắt đầu phát, người gầy rộc đi, sọ thì như trái dừa khô, xương sườn đếm được từng cái, hai chân khẳng khiu nhìn thấy cả xương bánh chè… họ đi tới đi lui trong phòng nhìn cứ như những bộ xương di động. Có một người tên T, còn rất trẻ, sau khi bị phát SIDA thì chuyển xuống trạm xá, thỉnh thoảng anh ta lại lên phòng chơi “ở dưới đó buồn quá, em nhớ mọi người nên lén lên đây” – “càng ngày nom chú càng giống bộ xương quá” – “em ráng ăn nhiều lắm, uống cả sữa, bác sĩ còn truyền nước biển cho em nữa…”. T cười rất hiền lành, những ngày cuối cùng của những người biết mình sắp chết hầu như đều thế cả, dường như lúc đó con người mới trở về với cái bản ngã chân thật của mình, không còn tham, sân, si nữa… vì có lẽ đối với họ mọi thứ vật chất đã trở nên vô nghĩa.
   Một buổi tối, bỗng tay “Tổng đại diện” mở cửa dẫn ĐHC đi xuống khu trạm xá, có thêm vài ba người nữa, trời đêm hôm ấy sao lạnh lẽo, có tiếng chim heo kêu thảng thốt… trong phòng Mười Hổ nằm đó, người gầy rộc và mái tóc bạc phơ, nhưng đôi mắt của ông ta vẫn thế, vẫn cố gắng tỏa sáng đến giây phút cuối cùng. Ở đời nhiều khi thấy vậy mà không phải vậy, “Báu vật phi thường” có lẽ là một khắc tinh của đám tà sư, đâu phải ngẫu nhiên mà đám thầy bà bên Miên nghe hơi là chạy xa. Mười Hổ chủ quan và quá tự tin, bây giờ đã đến lúc phải trả giá. Ông ta cố gắng tỏ ra mạnh mẽ, nhưng bên trong gân cốt đã mục ruỗng, máu huyết đã đến hồi cạn kiệt. Có lẽ ông ta biết mình khó lòng qua được đêm nay, nhưng vẫn tỏ ra hết sức bình tĩnh, “con hổ tuy sắp chết nhưng vẫn là con hổ”.
   Ông không nhìn ai cả, ánh mắt của ông đã nhìn vào hư vô “… hãy cố gắng…”, một tiếng nói khẽ không biết là do ông nói hay từ đâu vọng lại – Dường như ông ta đã quên hết quá khứ và hiện tại? – Ông còn muốn nói gì đó nữa, môi khẽ mấp máy nhưng không còn nghe rõ…
   Đêm thật là im lìm, không gian như chìm xuống, Mười Hổ nằm trong lặng lẽ và cô đơn, ông ta đã trả xong nghiệp của kiếp này…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét