Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

Vẻ đẹp nước Việt P12

   Để trở thành một “Đại Bàng” không phải là điều dễ dàng, đâu phải là cứ có sức mạnh bắp thịt và liều mạng là được, cái quan trọng là phải biết cách cư xử công bằng và đúng đắn với từng người tù. Phải có cái đầu để đối phó với QG hay giám thị, phải đủ bản lĩnh để trấn áp những kẻ ngu dốt, đói ăn, khát uống, phải thận trọng với mọi âm mưu tạo phản, gài bẫy của đám “nhảy xô” và phải luôn cảnh giác với những kẻ có khả năng “bật số”, phải tiêu diệt ngay từ trong ý tưởng sự phản kháng nếu có. Có nhiều tay hữu dũng vô mưu, cư xử hàm hồ cũng tập tành làm Đại Bàng, kết quả là nhiều khi bị đâm lén bằng một thứ vũ khí cực nguy hiểm là cái bàn chải đánh răng được mài nhọn hoắt vào lỗ tai hay nách trong lúc ngủ, hay vào hõm xương quai sanh từ sau lưng…

   Đám giang hồ trong tù nhiều thằng cũng thuộc loại cộm cán, đâu có sợ chết, sở dĩ nó nể mặt là vì “đàn anh” biết cách cư xử công bằng, biết đứng ra đỡ cho cả bọn trong những lúc lâm nguy, ví như khi có chuyện lớn xảy ra trong phòng (xét phòng hay bị chỏ có giấu quẹt ga, kéo nhọn, tiền mặt…) nhiều khi Đại Bàng phải ra nhận thay cả bọn, bị “ăn” ba-trắc đến mức “một đi ba vào”, tức một thằng đi ra nhận đòn nằm chèm bẹp, hai thằng phải khiêng vào.
   Đại ca “Sói Điên” xếp ĐHC nằm ngủ ngay bên cạnh để đêm đêm tâm sự về SG, về cái quá khứ huy hoàng của y. K.Z đặc biệt là lúc nào cũng nói năng lịch sự, y không bao giờ chửi thề, và đối xử với Thày Tư rất kính trọng. Ngoài đời y cũng có nhà cửa, vợ con hẳn hòi, có lẽ số trời bắt y phải làm tướng cướp.
   Số mệnh là cái gì đó mà con người không thể thay đổi được.
   Số mệnh là cái gì đó mà con người ta phải chấp nhận.
   Đó cũng là điều mà K.Z đã ngộ ra, đã tâm sự trong những đêm dài… Y kể lần ở phòng kỷ luật, bị cùm chân suốt hàng tháng trời chỉ được ăn cơm không với nước lạnh, tóc bạc hết, mắt mờ dần và chân tay trở nên mập phù… may mà từ cái cửa tò vò nhỏ xíu có một sợi dây bên ngoài dòng vào cho một bịch bột nêm, y nhớ mãi cái “bịch bột nêm” đó và đến tận bây giờ cũng không biết là của ai liều mình cho nữa.

   Đại ca “Sói Điên” dành khá nhiều thời gian để xăm cho các bạn tù mà y thích, ở đây có nhiều thằng xăm trổ kín cả người… cũng có nhiều hình xăm rất đẹp, rất nghệ thuật và K.Z chính là tác giả của những hình xăm như vậy.
   Việc xăm trong tù cũng khá công phu, đầu tiên là phải chuẩn bị mực, thường là dùng dép Lào đốt để lấy muội đen, cách này nguy hiểm ở lúc đốt có mùi rất khét bay xa nên dễ bị lộ. Muội đen này sẽ pha với nước thành một thứ mực đen như mực Tàu, nhưng khi xăm sẽ có màu hơi xanh xanh nên kẻ có kinh nghiệm nhìn một hình xăm sẽ phân biệt đã đâu là hình xăm ở trong tù hay hình xăm lúc còn ở ngoài đời. Kế đến là bẻ một con dao lam làm đôi, sau đó bẻ tiếp để lấy một góc thật nhọn, kẹp góc này vào một cái bàn chải để rạch nét viền. Con dao này phải mua ở bọn chiếu cố, giá cũng khá đắt. Nét viền phải nhờ một người có hoa tay vẽ trước trên giấy, sau đó mới can lên da, hình xăm đẹp hay xấu là ở công đoạn này, đặc biệt K.Z có khả năng vẽ trực tiếp luôn. Rạch nét viền xong rồi thì đến giai đoạn công phu nhất, tức là dùng một cây kim khâu châm liên tục lên hình vẽ, sau đó thoa mực lên, giai đoạn này kéo dài cả mấy ngày tùy theo hình xăm phức tạp như thế nào. Cây kim này xin ở khâu thêu của những người tù có án, do sợ bị lây HIV nên mỗi người đều phải dùng cây kim riêng.
   Nói về hình xăm thì muôn màu muôn vẻ, là tất cả những gì mà người tù có thể tưởng tượng ra được. Nó có thể là rồng bay, cọp gầm, đại bàng xòe cánh, rắn ba đầu, cô gái tóc xõa… Là tên của người yêu, là những chữ viết tắt… Nơi xăm đau nhất là phần bụng dưới, còn chỗ ít đau nhất là phần lưng, chỗ eo lưng hay bả vai, nên mấy em dân chơi hay xăm ở chỗ này. Khi bị phát hiện thì QG sẽ cho chiếu cố lấy một cục đá chà thật mạnh lên chỗ xăm đến khi tróc da, lòi mỡ, chỉ cần nghe tiếng gào của người bị xát to còn hơn tiếng gào thét của mấy bà đang đẻ là đủ hiểu nó đau đến cỡ nào.
   Nơi đây còn có một con người cũng rất đặc biệt nữa là Tư Bé, anh ta trước đây từng là bộ đội, sau đó phục viên, chuyển về làm QG trong trại giam. Làm lâu thấy nghề này không khá nên chạy chọt chuyển qua bên tòa án, làm ở Ban thi hành án. Đây là một chỗ có phần khá “ngon ăn” vì được chia hoa hồng cao, nhưng mặt trái của nó là thu tiền về nhiều quá nên cũng dễ làm con người động lòng. Làm một thời gian có nhiều tiền, Tư Bé nuôi thêm một cô vợ bé nữa nên nhu cầu về tiền càng ngày càng trở nên cấp thiết. Cô vợ bé nhan sắc mặn mà, da trắng như bông bưởi, nói chuyện với chồng lúc nào cũng dịu dàng. Hôm nào Tư Bé đi nhậu mệt về cô ta không hề la lối mà còn lấy khăn âu yếm lau mặt, tự tay tháo giày, thay đồ nên y cảm thấy sung sướng lắm, chẳng bù cho bà vợ lớn lúc nào cũng gắt gỏng, nhìn thấy là “thương hổng nổi”.
   Sau khi thu hồi một số tiền thi hành án của mấy vụ án KT, thay vì phải nộp về Ban thì Tư Bé mang ra mua đất, xây nhà cho cô vợ mới… Sự việc tất nhiên đến lúc cũng đổ bể nên “anh Tư” oai phong ngày nào phải khăn gói vô trong này.
   Vào trong này rồi thì Tư Bé mới thấu hiểu cuộc sống bên trong hàng song sắt, mặc dù trước đây cũng có cả chục năm làm công tác QG nhưng y mấy khi bước vào bên trong nên sự hiểu biết về nó còn rất là sơ sài. Có khá nhiều QG nơi đây vốn là đồng nghiệp cũ nên y thuốc diện được ưu đãi, nhưng lâu lâu còn than thở “vô đây rồi mới thấy sao khắc nghiệt quá, tù đối với tù đã tàn bạo rồi mà QG đối với tù còn tàn bạo hơn nhiều…”. Từ lúc Tư Bé đi tù cô vợ bé cũng thăm được một vài lần cho có, sau đó thì mất tăm luôn, chỉ mấy đồng nghiệp ở cơ quan thương tình gửi tiền quà vào nên y đâm ra hận đàn bà, lâu lâu lại nổi hứng ca vọng cổ bài “Lòng dạ đàn bà”:
“Vua nước Sở một hôm lòng thanh thản
Cởi long bào giả dạng một thường dân
Vác cần câu ra ngồi dựa thạch bàn
Lòng vương giả mơ màng theo sóng nước…”
Gió động ngàn lau khua xào xạc, Sở Vương mới thả hồn theo những chiếc lá rơi tản mạn ở ven …. gành…”
   Tằng tăng tăng… tăng tắng tăng tằng…
   Đến câu cuối y rống lên thật to:
“ Đàn bà lòng dạ hiểm sâu, đầu môi chót lưỡi nói câu chung tình…”
…………………………….
   Ở đời đàn bà cũng như đàn ông, có năm bảy hạng… đâu thể đánh đồng như vậy được? Nếu anh dùng tiền bạc để mua chuộc tình yêu thì đến khi hết tiền tình cũng phải bay theo, đó là điều quá bình thường, đâu cần phải suy nghĩ nhiều mới hiểu?

   Còn có một người nữa tự xưng là “Bảo-cao-bồi”, là tài xế xe tải đường dài, trong một lần sảy tay cán chết mấy người nên phải vào trong này. Bảo-cao-bồi ở ngoài khoái đội cái mũ giống như dân Cowboy Texas, ngậm điếu thuốc trễ trễ bên mép, mặc cái quần rằn ri sáu túi của lính. Vào trong này tất nhiên là phải lột mũ ra rồi, còn thuốc thì làm đếch gì có mà hút… nhưng y vẫn luôn luôn tỏ ra là dân anh chị chịu chơi. Một lần Đại ca Sói điên hỏi “thấy mày ngồi ngẩn ngơ suốt ngày, hay mày nhớ vợ?” – “tôi không nhớ vợ” – “thế mày nhớ con?” – “tôi không nhớ con” – “ vậy mày nhớ cái gì?” - Bảo-cao-bồi có tật lắc lắc cái đầu, y trầm ngâm một lúc rồi nói “tôi nhớ bạn bè “trên bốn vùng chiến thuật” – cả đám tù cười rầm rầm, Đại ca Sói điên bèn nói “vậy mày phải hát thật hay, nêu không thì thụt dầu một trăm cái”.
   Bảo-cao-bồi lại lắc lắc cái đầu, y cất tiếng ca:
   “… Mây mù trên núi cao rừng sương che lối vào, đồng ruộng mông mênh lúa, đêm đêm nằm đường ngăn bước thù áo nhà binh thương lính, lính thương quê vì đời mà đi… Ân tình theo gót chân mòn đi xa đánh trận, gặp gỡ trong cơn lốc, xưng tao gọi mày thương quá gần bốn vùng mang lưu luyến nước bâng khuâng của vạn người thân…”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét